Việt Nam là một đất nước có rất nhiều các giá trị văn hóa, truyền thống dân tộc độc đáo, đặc sắc được lưu truyền tận hàng trăm năm. Trong đó, lễ hội chọi trâu Yên Bái là một trong những lễ hội truyền thống, có ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi người dân tỉnh Yên Bái và nó cũng thu hút rất nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu và tham dự lễ hội. Vậy hãy cùng nhau tìm hiểu những thông tin về lễ hội chọi trâu Yên Bái diễn ra hàng năm mà bạn cần biết.
LỊCH SỬ VÀ NGUỒN GỐC LỄ HỘI CHỌI TRÂU YÊN BÁI
Không ai biết được lễ hội chọi trâu Yên Bái có từ bao giờ, được hình thành ra sao bởi lễ hội này đã đi theo người dân tỉnh Yên Bái từ những ngày đầu tiên dựng làng, giữ nước và kéo dài đến tận bây giờ. Cũng không có ai thắc mắc hay cố gắng tìm hiểu về nguồn gốc của nó, có lẽ mỗi người dân ở đây đều mặc định và tin rằng lễ hội là một truyền thống mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng, thể hiện tinh thần mạnh mẽ, sự bộc trực và tính chiến đấu, tinh thần thượng võ của người dân Yên Bái.
Lễ hội chọi trâu Yên Bái đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của đất nước Việt Nam.
Lễ hội chọi trâu còn gắn liền với rất nhiều những truyền thuyết được truyền từ đời này sang đời khác như:
Người xưa khi đi ngang qua đền thờ có nhìn thấy 2 con trâu đang chọi nhau nên người dân đã tổ chức ra lễ hội chọi trâu hàng năm tại ngôi đền này để tế thần đền
Một sự tích tương truyền nữa là có một cô gái nông thôn có chửa hoang, bị đồn đoán là con Vua, dân làng bắt ra sông thả trôi sông chết do luật làng ngày ấy rất khắt khe. Cô gái nọ vì chết oan ức nên đã hiển linh về trần thế. Người dân quanh khu vực bèn lập đền thờ gọi là đền thờ Bà Đế. Hằng năm, người dân tổ chức ra lễ hội chọi trâu nhằm tìm ra con trâu mạnh nhất, khỏe nhất cúng tế cho đền thờ Bà Đế.
Ngoài ra, còn rất nhiều những sự tích, truyền thuyết khác về các vị anh hùng dân tộc, đấu tranh gìn giữ đất nước. Dù với bất kỳ sự tích nào, lễ hội chọi trâu cùng nhằm một mục đích là cầu bình, mong dân làng có một cuộc sống yên bình, ấm no, hạnh phúc.
Ý NGHĨA CỦA LỄ HỘI CHỌI TRÂU YÊN BÁI
Lễ hội chọi trâu Yên Bái mang một ý nghĩa văn hóa rất to lớn đối với mỗi người dân, đặc biệt là những người nông dân chân chất của vùng trồng lúa nước. Đối với người nông dân trồng lúa ngày xưa, hình ảnh con trâu là một biểu tượng: con trâu là đầu cơ nghiệp. Vì thế, họ tổ chức lễ hội chọi trâu với mong muốn cầu mong một vụ mùa bội thu, của cải vật chất đầy đủ, êm ấm.
Ngoài ra, lễ hội chọi trâu còn mang một ý nghĩa tinh thần, sức mạnh tập thể lớn lao của người dân khu vực Tây Bắc. Hình ảnh 2 con trâu lao vào nhau chiến đấu biểu trưng cho sự mạnh mẽ, quyết đoán, sẵn sàng đứng lên đánh đuổi mọi kẻ thù xâm lược.
NGƯỜI DÂN CHUẨN BỊ GÌ CHO LỄ HỘI CHỌI TRÂU YÊN BÁI
TUYỂN CHỌN TRÂU GIỐNG
Không phải giống trâu nào cũng có thể đem ra thi đấu chọi trâu, việc lựa chọn giống trâu tốt để nuôi dưỡng phục vụ cho cuộc thi là một việc cực kỳ quan trọng đối với mỗi người dân. Thông thường, mỗi làng hoặc thôn bản sẽ bầu ra một người có kinh nghiệm lựa chọn trâu nhất, sau đó góp tiền lại cho người đó đến những vùng có giống trâu tốt,khỏe mạnh để lựa chọn và mua về một con trâu ưng ý. Người tuyển trâu tốt phải am hiểu về các giống trâu, phải biết xem các đặc điểm như móng, sừng, da, mắt,… quá trình này diễn ra rất tỉ mỉ và khắt khe. Sau khi lựa chọn được một con trâu tốt, tất cả người người dân trong thôn bản đó sẽ cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con trâu đó.
QUÁ TRÌNH CHĂM SÓC
Quá trình chăm sóc con trâu để phục vụ cho cuộc thi là một quá trình rất dài, kép dài đến tận 6 tháng. Tất cả những người dân trong thôn bản cùng nhau góp sức, góp của nhằm chăm sóc con trâu tốt nhất. Họ lựa chọn những thứ cỏ ngon nhất, bổ dưỡng nhất cho trâu ăn. Chuồng nuôi trâu cũng phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ và tách biệt hoàn toàn với những con gia súc khác trong gia đình, điều này làm tăng tính hiếu chiến cho con trâu.
Ngoài chế độ dinh dưỡng và chăm sóc, người ta còn huấn luyện nó thích nghi với những tiếng chiêng trống, hò hết, không khí lễ hội để trâu có thể quen trước khi thi đấu chính thức.
Có thể nói, quá trình chăm sóc và huấn luyện trâu chiến vô vùng gian nan, vất vả, đòi hỏi những nghệ nhân có kinh nghiệm lâu năm mới đảm nhận được.
QUÁ TRÌNH CHO TRÂU THI ĐẤU
Sau bao ngày huấn luyện và chăm sóc, khoảnh khắc mà người dân và khách du lịch mong chờ nhất chính là ngày những chú trâu thi đấu. Lễ hội chọi trâu Yên Bái thường diễn ra vào giữa tháng giêng âm lịch, thời điểm mà các tỉnh thành phía Bắc nô nức tổ chức lễ hội đầu năm. Những điệu nhảy truyền thống, những giọng ca quan họ du dương, nhẹ nhàng, những trò chơi dân gian có từ lâu đời,… tất cả tạo nên một không khí lễ hội nhộn nhịp, vui tươi ngày đầu năm mà bất kỳ du khách nào khi đến tham quan cũng không thể nào quên.
Sau cùng, những chú trâu được đại diện các thôn bản dắt vào xới để bắt đầu thi đấu. Cuộc thi đấu sẽ có 3 vòng, mỗi vòng nhằm chọn ra chú trâu mạnh mẽ nhất để tiến vào vòng chung kết. Cuộc thi đấu hấp dẫn những người xem bởi sức mạnh kinh hoàng của những chú trâu, thi đấu trực diện thể hiện sự oai hùng, tinh thần thượng võ không bao giờ bỏ cuộc. Điều này còn biểu tượng cho tinh thần của người dân nơi đây. Sau rất nhiều cuộc tranh đấu, những chú trâu mạnh nhất sẽ được tôn vinh và sẽ là vật phẩm để cúng tế các vị thần, đền Bà nhằm cầu mong một năm mới vạn sự như ý, sung túc cho tất cả mọi người. Sau đó, người dân sẽ tổ chức liên hoan, thịt những chú trâu chiêu đãi lẫn nhau, tạo nên không khí lễ hội cực kỳ vui vẻ, quây quần mà chỉ có thể thấy được tại vùng đất Yên Bái này.
Có thể thấy, lễ hội chọi trâu Yên Bái là một nét văn hóa truyền thống có từ rất lâu đời của người dân nơi đây. Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc loại bỏ cuộc thi này bởi nó mang tính bạo lực, sát sinh, tuy nhiên, những người dân nơi đây vẫn cố gắng gìn giữ và coi đây là một lễ hội gắn liền với đời sống sinh hoạt của họ.